Tìm Hiểu Sách Các Quan Xét Theo Lối Văn Kể Chuyện
Có thể nói, thái độ hạ mình học hỏi từ kinh nghiệm thất bại cũng là thái độ cần có khi học sách Các Quan Xét. Nếu như ai đó đã từng cảm thấy vui mừng bao nhiêu khi học những bài học thành công qua sách Giô-suê, thì cũng sẽ đau buồn bấy nhiêu khi học những bài học thất bại qua sách Các Quan Xét. Dầu được đặt nối tiếp nhau, nhưng nội dung của hai sách là trái ngược nhau. Giô-suê thuật lại những chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên hơn ba mươi năm, nhưng Các Quan Xét thuật lại sự thất bại của họ hơn ba trăm năm. Sau khi Giô-suê qua đời không bao lâu, Y-sơ-ra-ên bắt đầu chìm dần vào sự sa sút thuộc linh. Từng thế hệ nối tiếp nhau qua đi theo cùng một quỹ đạo, điều mà các nhà giải nghĩa Thánh Kinh gọi là “những chu kỳ bội đạo” (the cycles of apostasy). Thật vậy, khi đọc Các Quan Xét, người đọc dễ dàng nhận ra những cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần theo một cầu trúc giống nhau:
- “Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác” (2:11, 3:7,12, 4:1, 6:1, 10:6, 13:1); ..
- “Đức Giê hô va phó chúng nó (1:4, 2:14, 3:8, 4:2, 6:1, 10:7, 13:1);
- “Dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu” (4:3; 6:6, 7; 10:10; 16:18);
- “Đức Giê-hô-va dấy lên cho chúng nó một người giải cứu” (2:16, 18; 3:9, 15; 10:1, 3);
- “Xứ được hòa bình trong…” (3:11; 3:30; 5:31; 8:28).
Đây là những yếu tố nền tảng khiến nhiều nhà Thánh Kinh Giải Nghĩa đưa ra ý tưởng về những chu kỳ bội đạo này. Mỗi chu kỳ thường được bắt đầu bằng câu “dân Y-sơ-ra-ên lại làm điều ác”, dẫn đến việc Đức Chúa Trời “phó” họ vào tay các dân tộc thù nghịch. Dưới sự cai trị khắc nghiệt của kẻ thù, họ “kêu cầu” cùng Chúa, và Ngài “dấy lên” các quan xét để giải cứu” họ, sau đó, “xứ được hòa bình trong” một thời gian…
Giống như một số sách khác trong Kinh Thánh, Các Quan Xét cũng được viết bằng lối văn kể chuyện, một thể loại văn chương chú trọng vào việc trình bày lời Chúa qua hình thức những câu chuyện kể với cốt truyện hẳn hoi. Tuy nhiên, khác hơn các sách khác, Các Quan Xét là tập hợp của những câu chuyện ngắn nối tiếp nhau. Có cả thảy tám câu chuyện, kể về mười ba vị quan xét như sau:
1. Câu chuyện Ốt-ni-ên, Ê-hút và Sam-ga (3:7-31);
2. Câu chuyện Đê-bô-ra (4:1-5:31);
3. Câu chuyện Ghê-đê-ôn (6:1-8:35);
4. Câu chuyện A-bi-mê-léc (9:1-57);
5, Câu chuyện Thô-la và Giai-rơ (10:1-18);
6. Câu chuyện Giép-thê (11:1-12:7);
7. Câu chuyện lếp-san, Ê-lôn và Áp-đôn (12:8-15);
8. Câu chuyện Sam-sôn (13:1-16:31).
Ngoài ra, trong phần phụ thêm còn có hai câu chuyện:
9, Câu chuyện Mi-ca (17:1-18:31)
10. Câu chuyện một người Lê-vi khuyết đanh (19:1-21:25).
Hai câu chuyện sau được kể là phần phụ thêm do cả hai nhân vật chính đều không phải là quan xét. Mi-ca là một người Ép-ra-im, dùng tiền ăn cắp tự lập cho mình một nơi để thờ phượng rồi trở nên chủ nhân của nơi ấy, còn người kia là một người Lê-vi khuyết danh, sống lang bạc kỳ hồ, lấy một người vợ bé ở Bết-lê-hem. Trong một lần đi đến Ghi-bê-a, một thành thuộc về chi phái Bên-gia-min, người vợ bé bị dân trong thành hãm hiếp đến chết, quá tức giận, người Lê-vị đã phân thây vợ thành mười hai khúc và gởi đi đến mười hai chị phái Y-sơ-ra-ên để tố cáo. Án mạng tại Ghi-bê-a đã dẫn đến một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa mười một chi phái còn lại và chi phái Bên-gia-min, hậu quả khiến cho cả chỉ phái này gần như bị tiêu diệt. Người kể chuyện thêm vào để tô đậm thêm tình trạng vô luân, hỗn loạn của thời kỳ này. Các Quan Xét giống như một bức tranh được người họa sĩ vẽ nên bởi gam màu tối nhiều hơn sáng. Tuy nhiên, trong Các Quan Xét sáng và tối, điều tốt và xấu đan xen hòa quyện nhau, cái này làm nỗi bật cái kia, điều xấu làm nổi bật điều tốt hoặc ngược lại.
Theo như điều đã nói ở trên, học sách Các Quan Xét cho chúng ta một cảm giác buồn hơn là vui, nhưng thông qua những đau buồn, Cơ Đốc nhân có thể rút ra những bài học thuộc linh cho đời sống mình.
———————————-
THÔNG TIN VỀ CHÚNG TÔI
ỦY BAN CƠ ĐỐC GIÁO DỤC – HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)
- Địa chỉ : Số 2 Ngõ Trạm – Hàng Bông – Hoàn Kiếm – Hà Nội
- Hotline : 0349 013 597 – 0377 234 834 (gặp Khánh)
- Email : codocgiaomucmienbac@gmail.com
- Facebook : Văn Phòng Phẩm Cơ Đốc (group) – Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục Miền Bắc (page)