Nguyên Tắc Chăm Sóc Sức Khỏe
Lời nói đầu
Hiện nay, trong bối cảnh môi trường sống — môi trường thiên nhiên lẫn môi trường xã hội — ngày càng nhiều bất ổn, con người luôn trăn trở làm sao giữ được sức khỏe, và hơn nữa, luôn muốn “già xanh” -sống thọ mà vẫn khỏe mạnh cho đến ngày cuối đời.
Con người luôn lâm vào cảnh mâu thuẫn: mình gây bất ổn trong khi lại muốn ổn! Y học cổ truyền xưa nói “bệnh vào bằng đường miệng” (“bệnh tòng khẩu nhập” – nên hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), hay “tà khí tụ tập gây bệnh được là do chính khí đã kém” (“Tà chỉ sở tấu, kì khí tất hư”). Y học hiện đại cũng vậy, bệnh tật là do sức đề kháng kém, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều này càng rõ ràng hơn sau khi chật vật đối phó với đại dịch COVID-19 và thấy giá trị của việc chăm sóc sức khỏe.
Thời đại kỹ thuật số hiện nay có quá nhiều tư vấn lẫn quảng cáo về các phương pháp giữ sức khỏe hay trị bệnh lan truyền một cách chóng mặt trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội. Có vô cùng nhiều phương pháp không có cơ sở khoa học, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm riêng của cá nhân, nhà sản xuất hay người buôn bán. Người đọc không phân biệt nổi đâu là thật và đâu là giả nên chủ yếu dựa vào khả năng thuyết phục của người giới thiệu.
Như vậy, nền tảng trong chăm sóc sức khỏe là gì? Hiểu được các nguyên tắc nền tảng đó có thể giúp làm nền tảng cho việc tìm kiếm các phương pháp phòng bệnh, trị bệnh, phục hồi sức khỏe một cách cụ thể; giúp phân biệt được giới hạn của các “lời nói có cánh” từ các nhà tư vấn lẫn quảng cáo; và định hướng được những điều cụ thể bản thân mình cần làm.
Có 3 nguyên tắc nền tảng, hay cốt lõi, trong chăm sóc sức khỏe nói chung, trong phòng người bệnh, điều trị bệnh, lẫn phục hồi sức khỏe, đó là: quan tâm toàn diện, tập thích nghi và giữ quân bình. Ba nguyên tắc này hiện diện trong y học cổ truyền từ ngàn xưa lẫn trong y học ngày nay, và nhất là cả trong Kinh Thánh.
Tập tài liệu nhỏ này dành cho người muốn nghiên cứu sâu, nhất là Cơ Đốc nhân. Nội dung trong tập tài liệu nhỏ này dù có sai sót nhưng vẫn có thể gợi ý cho người đọc suy ngẫm và tìm kiếm thêm tri thức.
“Chính vì lý do đó mà anh em phải cố gắng hết sức để thêm cho đức tin mình lòng nhân đức, thêm cho nhân đức sự tri thức, thêm cho tri thức tính tiết chế, thêm cho tiết chế tính kiên nhẫn, thêm cho kiên nhẫn lòng tin kính, thêm cho lòng tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương.” (II Phi-e-rơ 1:5-7 BTTHĐ)
Tài liệu này chỉ mong là viên đá lót đường để các Cơ Đốc nhân bước lên và tiếp tục đi tới một cách “sung mãn” về cả thể chất lẫn tinh thần, về mối quan hệ với môi trường sống, và nhất là mối quan hệ với Đấng đã tạo dựng con người vốn “rất tốt đẹp” (Sáng Thế Ký 1:31). Nếu mình không còn “rất tốt đẹp”, cần tìm hiểu tại sao và làm cách nào để trở lại như thủa ban đầu.
“Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn.” (Giăng 10:10b).
———————————-
THÔNG TIN VỀ CHÚNG TÔI
ỦY BAN CƠ ĐỐC GIÁO DỤC – HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)
- Địa chỉ : Số 2 Ngõ Trạm – Hàng Bông – Hoàn Kiếm – Hà Nội
- Hotline : 0349 013 597 – 0377 234 834 (gặp Khánh)
- Email : codocgiaomucmienbac@gmail.com
- Facebook : Văn Phòng Phẩm Cơ Đốc (group) – Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục Miền Bắc (page)