Thánh Kinh Khảo Cổ Nhập Môn
THÁNH KINH KHẢO CỔ LÀ GÌ?
Thuật ngữ này đề cập đến việc khảo cố toàn bộ một vùng trải qua mọi thời đại chứ không phải chỉ nghiên cứu các cổ vật có liên quan đến bản văn Thánh Kinh. Tương tự như công cuộc khảo cố các vùng khác, “Thánh Kinh khảo cổ cũng là một ngành khoa học nhằm khôi phục, xác định và giải thích di sản của các dân tộc từng sinh sống trong vùng. Do đó, “Thánh Kinh khảo cổ là một phương tiện nhằm xác minh lịch sử và di sản văn hóa của vùng Palestine.
Nhiệm vụ của “Thánh Kinh khảo cổ là khám phá lịch sử và nền văn hóa của vùng Palestine. “Thánh Kinh khảo cổ đòi hỏi việc khám phá lịch sử lập quốc và tìm kiếm các cổ vật thông qua những cuộc khảo sát trên mặt đất lẫn những cuộc khai quật rồi thu thập, minh định các cổ vật để có thể nhận định vê nền văn minh của các thời kỳ khác nhau.
Khảo sát bề mặt là một phương pháp nhận diện có hệ thống các di chỉ định cư (settlement remains). Nói chung, di chỉ định cư được tìm thấy dưới dạng những ụ phế tích mà tiếng Ả-rập gọi là tell (tiếng Hi-bá-lai gọi là tel). Căn cứ vào hình dung đặc thù của tell mà người ta có thể phân biệt tell với các ngọn đồi khác trong thiên nhiên. Một khu định cư mới tồn tại trong một thời kỳ ngắn thì độ cao không đáng kể so với vùng xung quanh. Những nơi này gọi là khirbeh. Sơ khởi, người ta căn cứ vào những mảnh sành tìm được trên mặt đất để xác định niên đại. Thông qua các mảnh sành đó, phương pháp khảo sát bề mặt có thể tái hiện lịch sử của một khu định cư lẫn của cả một vùng.
Khai quật khảo cổ là sự khảo sát có hệ thống một địa điểm. Vì cớ mỗi đợt khai quật, người ta chỉ đào bới được một góc nhỏ của một tell hoặc một khirbeh. Vì vậy, họ tổ chức cuộc khai quật sao cho thông qua khu vực đó họ có thể hiểu lịch sử đầy đủ của toàn bộ một khu dân cư lẫn nhận biết toàn cảnh văn hóa. Hầu hết các tell hoặc các khirbeh được hình thành thông qua sự tích tụ các di vật thuộc các công trình xây dựng trong thời trước. Mỗi khu định cư được đánh dấu bằng một lớp (layer) di vật gọi là địa tầng (stratum). Thứ tự của các địa tầng cho biết lịch sử của một địa điểm; các công trình kiến trúc và các cổ vật xác lập nền văn hóa vật thể của mỗi địa tầng.
Lịch sử nền văn minh được xác lập căn cứ trên tất cả các cổ vật tìm thấy của một thời đại nào đó. So sánh lịch sử nền văn hóa của các giai đoạn trước và sau, lẫn với các nền văn hóa lân cận, chẳng những cho phép chúng ta hiểu được tiến trình phát triển lịch sử mà còn giúp chúng ta ghi nhận những nét văn hóa đặc trưng hoặc tương đồng của những khu vực khác nhau. Vì văn hóa vật thể là dấu chứng trực tiếp về lối sống nên văn hóa vật thể cho chúng ta biết về những điều kiện sống, những thói quen và những khả năng diễn đạt của con người trong một giai đoạn đặc thù. Vốn là lịch sử của nền văn minh, nên “Thánh Kinh khảo cổ” đã chứng kiến một tiến trình phát triển mạnh mẽ trong dòng thời gian lẫn trong phạm vi khảo sát và không chỉ giới hạn trong phạm vi khảo sát văn hóa của người Y-sơ-ra-ên cổ đại mà còn bao quát cả nền văn minh của những giai đoạn trước đó lẫn nền văn minh của các dân tộc lân cận. Lối xây dựng nhà cửa, pháo đài, đền thờ, kiểu nhà mồ, các loại đồ gốm đồ sứ, các loại vũ khí xuất hiện theo bối cảnh lịch sử và sự phát triển đặc thù của địa phương.
Về mặt địa lý, có thể xác định vùng Palestine là một vùng nằm ở phía đông và tây sông Giô-đanh. Nhưng xét về mặt lịch sử thì rất khó xác định thời gian lẫn xác định niên đại. Thời đại Đá Mới (giai đoạn muộn của thời đại Đá Mới, Neolithic period, năm 8000-4000 TCN) thực tế được gọi là “tiền sử”. Vào thời đại này đã có dấu hiệu sơ khởi về sự sản xuất gốm, thuần hóa thú vật, trông trọt và củng cố các khu dân cư. Do đó, thời đại này được xác định bởi một vài tiêu chuẩn có liên quan. So với sự phát triển cục bộ trong thời đại Đá Mới, trong thời đại Đồng-Đá (đồng khí và tân thạch khí), Chalcolithic period, năm 4000-3150 TCN) một nền văn minh đầu tiên trong một vùng đã phát triển đến mức có thể nhận diện. Trong thời đại này xuất hiện việc con người sử dụng kim loại. Sang thời đại Đồng Sớm (Early Bronze Age, năm 3150-2150 TCN), xuất hiện sự phát triển đô thị. Những thời đại kế tiếp như các thời đại Đồng Trung và Đồng Muộn (Middle và Late Bronze Age, năm 2150-1200 TCN) và thời đại Đồ Sắt (năm 1200-332 TCN) xuất hiện những nền văn minh độc lập, cần được nghiên cứu riêng biệt.
Trong ý nghĩa hẹp hơn, sự phát triển của các nền văn minh bản xứ kết thúc vào Thời kỳ Hellenistic (văn minh Hi Lạp cổ, năm 332-37 TCN). Thời kỳ này được đánh dấu bằng ưu thế của một nền văn hóa phát triển từ thuở ban đầu tại miền trung vùng Địa Trung Hải. Nền văn hóa này tiếp tục tồn tại suốt thời kỳ của đế quốc La Mã, tiếp theo sau cuộc viễn chinh của Pompey và bắt đầu với sự cai trị của Hê-rốt Đại Đế (Herod the Great, năm 37-4 TCN) cho đến khi hoàng đế Constantine kế vị ngai vàng (năm 324 SCN). Sau đó là thời kỳ Byzantine (đế quốc La Mã ở vùng phía đông) kéo dài cho đến khi người Ả-rập chỉnh phục vùng Palestine vào năm 634 SCN.
Tuy nhiên, quyển Thánh Kinh Khảo Cổ Nhập Môn này sẽ bỏ qua thời kỳ này vì những cổ vật thuộc thời kỳ này nằm trong phạm vi “Khảo cổ Cổ Vật Thời Muộn’ hoặc “Khảo cổ Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nghiên cứu thời kỳ văn minh Hi-La (Hi Lạp và La Mã). Vì thời kỳ này chứng kiến tiến trình phát triển quan trọng của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo ở giai đoạn đầu.
Ngay cả khi khảo sát những nền văn minh có trước nền văn minh của người Y-sơ-ra-ên cổ đại, nhiều lần chúng ta phải xem xét qua lại ranh giới trên phương diện địa lý. Nói như thế không chỉ là xác đáng đối với vấn đề phân loại một khối lượng lớn tư liệu quan trọng thuộc về các thời đại Đồ Đồng, nhưng cũng xác đáng khi phân biệt những nét đặc trưng của địa phương có thể nhận thấy trong các thời kỳ khác nhau. Lịch sử của các khu dân cư trong một vùng bị gián đoạn bởi lối sống du cư trong thiên niên kỷ thứ 3 và thứ 2. Vì vậy, chúng ta buộc phải xét đến từng nền văn hóa riêng biệt của Syria, Ả-rập và xứ Mê-sô-bô-ta-mi (Mesopotamia). Những tư liệu văn học thuộc thiên niên kỷ thứ hai và thứ nhất cũng cho thấy một mối liên hệ mật thiết với các dân tộc lân cận. Do đó buộc lòng chúng ta phải khảo sát những nền văn hóa này nữa. Ngoài ra, khi phân loại các cổ vật đương nhiên là cần ứng dụng phép so sánh các vật thể thuộc các nền văn hóa cổ đại ở vùng Tiểu Á.
———————————-
THÔNG TIN VỀ CHÚNG TÔI
ỦY BAN CƠ ĐỐC GIÁO DỤC – HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)
- Địa chỉ : Số 2 Ngõ Trạm – Hàng Bông – Hoàn Kiếm – Hà Nội
- Hotline : 0349 013 597 – 0377 234 834 (gặp Khánh)
- Email : codocgiaomucmienbac@gmail.com
- Facebook : Văn Phòng Phẩm Cơ Đốc (group) – Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục Miền Bắc (page)